Khái yếu Hình tượng con ngựa trong văn hóa

Ngựa (Equidae), họ thú có guốc lớn, thuộc bộ Guốc lẻ (Perissodactila), chúng được các dân tộc thuần dưỡng ở những thời gian sớm muộn khác nhau và đến nay ngựa nhà đã phân bố rộng khắp thể giới với những ngoại hình, kích thước và màu sắc khác nhau với khoảng 200 giống ngựa được dùng để sử dụng trong nhiều mục đích như cưỡi, kéo xe, thồ hàng, làm ngựa chiến, ngựa đua.

Ngựa được dùng cho việc kéo, chở, thồ hàng, cày ruộng. Ở Scotland, Hà Lan, Mỹ, Canađa, ngựa lùn được dùng dưới hầm mỏ đế kéo than từ vỉa quặng, kéo thuyền dọc kênh đào. Ngựa cũng được sử dụng trong họạt động thể thao, nghệ thuật. Từ 1500 năm trước Công nguyên, cuộc đua xe ngựa đã diễn ra tại Hy Lạp. Vào thế kỷ thứ VII TCN, các cuộc đua xe bốn ngựa là một môn trong Đại hội thể thao Olympic. Sau đó, người La Mã đã đua ngựa trên các vũ đài đặc biệt gọi là xiếc. Đua xe bốn ngựa trở thành một môn trong Đại hội thể thao Olympic lần đầu năm 776 trước Công nguyên. Cuối thế kỷ XI, những cuộc đua ngựa trên đất bằng được tổ chức tại Anh. Ngày nay, ngoài đua ngựa, còn nhiều môn thể thao khác như: ngựa việt dã vượt rào, ngựa nhảy qua chướng ngại vật, lội nước...đặc biệt là môn mã cầu - polo (cưỡi ngựa đánh bóng).

Từ thế kỷ XVIII, xiếc ngựa đã có ở nhiều nơi như: ngựa tìm đồ vật, ngựa làm toán, nhảy múa theo nhạc, đi và nhảy bằng hai chân sau, nhảy dây, di chuyển đội hình, lao qua vòng lửa, đi trên bán cầu trơn không ngã; tung hứng trên lưng ngựa. Ngựa tuy hoang dã, tự do nhưng con người có thể sử dụng, điều khiển ngựa để đạt được mục đích cần thiết. Ngoài việc chạy đua và nhảy đua, môn thể thao lâu đời có ngựa tham dự là đi săn, xuất hiện khoảng 2500 TCN, Đây là môn thể thao yêu thích nhất của nước Anh và Mỹ hiện nay.[3]

Tại những nơi địa hình hiểm trở, ngựa là phương tiện đi lại, tuần tra hữu hiệu của lính biên phòng, người ta còn dùng ngựa trong ngành cảnh sát, trong thí nghiệm khoa học, dịch vụ du lịch hoặc trong các lễ nghi trọng đại. Ngựa cho con người thịt để ăn, xương để nấu cao, làm thuốc; chế các loại huyết thanh chống nọc rắn, trị bệnh cứu người, kích thích sinh sản cho gia súc. Một số nước (Hà Lan, Hunggari) còn dành riêng cho ngựa một ngày Tết đặc biệt hàng năm.[4]

Ngựa đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Từ 2450 năm trước Công nguyên đã xuất hiện tượng ngựa và xe hai bánh do ngựa kéo. Ngựa Trung Quốc phần lớn là mua trực tiếp từ các bộ lạc du mục tây bắc như Đột Quyết, Hung Nô, Mông Cổ. Trong thời Tây Chu cũng như Đông Chu, chiến tranh giữa các chư hầu xảy ra liên miên. Trong các cuộc chiến tranh đó ngựa đóng một vai trò rất quan trọng, nên những người nuôi ngựa giỏi và những lái buôn ngựa rất được coi trọng. Chẳng hạn như Lã Bất Vi thời Tần vốn là một lái buôn ngựa rất được tin dùng. Hay như tướng Mã Viện thời Hán là người sành ngựa nổi tiếng, vốn là người nuôi ngựa. Con ngựa được coi trọng như vậy trong cuộc sống lúc bình thường cũng như lúc chiến trận và ngựa chiếm một địa vị quan trọng trong đối tượng miêu tả của các họa sì nhiều thời đại trên đất Trung Quốc.[5]

Ngựa là con vật thông minh, khôn ngoan sống gần người và được con người yêu quý trong đời sống vất vả mà còn kề vai sát cánh cùng con gười xông pha nơi trận mạc. Ngựa đã đi vào văn học dân gian trong lịch sử và văn hoá nghệ thuật. Xuất phát từ chính đặc điểm tự nhiên của loài ngựa mà hình tượng con ngựa luôn hiện diện với vẻ đẹp trong cách nhìn của con người phản ánh qua lăng kính văn hóa. Ngựa có dáng vẻ đẹp đẽ, mạnh mẽ, sung mãn mà thanh nhã, hiền lành, ngựa đó đức tính trung thành với con người, nhiều con ngựa được coi là con vật có tình nghĩa.

Ngựa là động vật gắn với đời sống của con người từ rất lâu trong lịch sử, ngựa đã trở thành người bạn, người giúp việc trung thành của con người, được con người yêu quý. Nhiều nơi trên thế giới con ngựa là hiện thân của năng lực, may mắn, hạnh phúc, quyền thế là biểu tượng cho sự mau lẹ, sức mạnh, nghị lực, sáng tạo, giàu sang[4] Ngựa cũng là loài vật tượng trưng cho sức mạnh, sự trung thành, táo bạo và sức sống mãnh liệt.[6]

Trong số mười hai con vật biểu tượng của mười hai con giáp con ngựa biểu tượng của năm Ngọ - là một trong những con vật được con người coi trọng và sử dụng nhiều nhất.[7] Ngựa mang hình tượng văn hóa phương Đông, là biểu tượng cho sự trung thành tận tụy đồng thời là biểu tượng cho may mắn, tài lộc thành công. Hình tượng ngựa biểu trưng sự gia tăng tiền tài và thăng quan tiến chức với câu Mã đáo thành công, xuất phát từ điển tích của người Trung Hoa sử dụng Ngựa làm phương tiện vận chuyển. Cho nên có Ngựa thì di chuyển nhanh hơn, dễ hơn, hiệu quả hơn có Ngựa thì sẽ thành công.[8] Hình tượng ngựa xuất hiện và là chủ đề khá quen thuộc trong văn học nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc[9]

Hình ảnh Ngựa trong lịch sử luôn gắn liền với những bậc võ tướng, danh nhân, lãnh đạo tài ba lỗi lạc với những chiến công phi phường. Hình ảnh của Thành Cát Tư Hãn luôn gắn với tuấn mã, viên tướng nhà Hán là Hàn Tín không thể thiếu ngựa thậm chí đến cả nhà sư Tam Tạng khi đi thỉnh kinh thì cũng phải ngồi trên lưng ngựa. Những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa, từng chinh phục một vùng đất rộng lớn thuộc nhiều quốc gia trong một thời gian dài như: Alexander Đại đế, Napoleon Bonaparte hoặc những viên võ tướng như Lã Bố, Quan Vũ, Mã Siêu, Ngay cả khi ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh quân đội thường nhiều lần cưỡi ngựa đi công tác và ngựa cũng đã trở thành bạn đồng hành sớm hôm leo đèo, lội suối[10] do đó trong nghệ thuật có nhiều tác phẩm điêu khắc đã tạc tượng nhiều tượng danh nhân ngồi trang trọng trên lưng ngựa: Peter Đại đế ở St Petersburg, Quang Trung ở Quy Nhơn… và về nghệ thuật hội họa có nhiều tranh như họa sĩ John Collier vẽ tranh (Nàng Godiva trên lưng ngựa), Từ Bi Hồng (Trung Quốc), Nguyễn Tư Nghiêm, Đỗ Đức (Việt Nam).[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hình tượng con ngựa trong văn hóa http://www.flickr.com/photos/muavere/12052228403/ http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/nam-ngo-noi-... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhun... http://baothanhhoa.vn/vn/doi-song/n119656/Tim-hieu... http://dantri.com.vn/van-hoa/hinh-anh-loai-ngua-du... http://dantri.com.vn/van-hoa/ngua-trong-hoang-cung... http://laodong.com.vn/Van-hoa/Thang-nhu-ruot-ngua-... http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/22283602-tan... http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1... http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail....